Tóm tắt: Luật Luật sư ban hành ngày 29/6/2006, có hiệu lực ngày 01/01/2007, sửa đổi bổ sung một số điều ngày 20/11/2012 có hiệu lực từ ngày 01/7/2013 (Luật Luật sư). Thực tiễn triển khai Luật Luật sư trong thời gian qua (hơn 10 năm) đã gặp phải một số khó khăn, vướng mắc trên thực tiễn, như: vấn đề miễn, giảm thời gian tập sự luật sư; thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư; quy định luật sư tập sự… cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện. Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ nêu ra một số bất cập trên thực tiễn và đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện Luật Luật sư.
1. Những khó khăn, bất cập trên thực tiễn khi triển khai Luật Luật sư
Luật Luật sư quy định về nguyên tắc, điều kiện, phạm vi, hình thức hành nghề, tiêu chuẩn, quyền, nghĩa vụ của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, quản lý luật sư hành nghề luật sư, hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài tại Việt Nam. Khi hành nghề luật sư, luật sư cần tuân thủ các nguyên tắc như: tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; tuân theo Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư; độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan; sử dụng các biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng; chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động nghề nghiệp luật sư . Thực thi Luật Luật sư thời gian qua, bên cạnh những thành tựu đạt được, luật sư tham gia giải quyết các vụ án hình sự đã góp phần làm sáng tỏ sự thật về vụ án, vụ việc hạn chế các vụ án oan, sai, hoặc bỏ lọt tội phạm. Tuy nhiên, hơn 10 năm Luật Luật sư triển khai, vẫn còn những hạn chế, bất cập trên thực tiễn, cụ thể như sau:
Thứ nhất, theo quy định của pháp luật thì những người từng là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên cao cấp; thẩm tra viên cao cấp ngành tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát, chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp được miễn tập sự hành nghề luật sư . Theo đó, tại khoản 1 Điều 15 Luật Luật sư quy định về những người không phải tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư, thì những người được miễn tập sự hành nghề luật sư quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật Luật sư sẽ không phải tham gia kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư. Tuy nhiên, thực tiễn hành nghề luật sư cho thấy những người được miễn này đã gặp phải những khó khăn, bất cập khi hành nghề luật sư như sau:
Một là, do là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên cao cấp trong quá trình đương nhiệm, chủ yếu thực hiện công việc chuyên sâu theo loại án được phân công. Ví dụ đối với điều tra viên chuyên sâu chuyên ngành về điều tra tội phạm hình sự. Họ không làm và không nghiên cứu sâu về lĩnh vực dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại, tư vấn… Do đó, khi làm luật sư và tham gia giải quyết các vụ án, vụ việc liên quan đến lĩnh vực dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại, tư vấn hợp đồng… vì không chuyên ngành nên tư vấn không sâu, không chắc kiến thức chuyên môn, gặp nhiều khó khăn, lúng túng khi triển khai công việc trên thực tiễn. Tương tự đối với người hành nghề luật sư mà trước đây đã là thẩm phán, kiểm sát viên cũng vậy, do phụ trách loại án, loại việc chuyên sâu nên không đảm bảo tính toàn diện về các phần công việc khác, do đó họ gặp nhiều khó khăn, lúng túng khi tham gia giải quyết các vụ, việc, các loại án đa dạng và phức tạp khi hành nghề luật sư trên thực tiễn.
Hai là, qua thực tiễn tham gia giải quyết các vụ án hình sự cũng như thực tiễn tham dự các phiên tòa hình sự, thấy rằng: nhiều điều tra viên thuộc diện quy định tại khoản 1 Điều 16 và khoản 1 Điều 15 Luật Luật sư, không phải thực hiện yêu cầu tập sự luật sư và không cần qua kỳ thi kiểm tra tập sự hành nghề luật sư. Một số luật sư khi từng là điều tra viên nắm không vững quy định pháp luật về trình tự, thủ tục giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, kinh doanh - thương mại; đặc biệt khá yếu về tố tụng khi thực hiện công việc. Nhiều luật sư nhầm lẫn nghiêm trọng khi đề nghị chủ tọa phiên tòa cho hỏi kiểm sát viên đang thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa hoặc đề nghị được hỏi luật sư đồng nghiệp… Nhiều luật sư trước đó là điều tra viên đang trong phần đối đáp tranh luận, lại đặt câu hỏi hoặc đang trong phần thủ tục xét hỏi tại phiên tòa lại đưa ra quan điểm lập luận với luật sư đồng nghiệp và kiểm sát viên… tình trạng này khá phổ biến, dẫn đến ảnh hưởng lớn đến vai trò, vị thế của luật sư trong quá trình tham gia giải quyết các vụ án hình sự, vụ án vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại trên thực tiễn.
Ba là, do đặc thù về nghề nghiệp công việc, các thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên cao cấp, chuyên viên cao cấp chỉ được đào tạo kỹ năng buộc tội, kỹ năng quy kết hành vi phạm tội (loại án hình sự). Do đó, họ khá yếu về kỹ năng tiếp xúc, trao đổi với khách hàng; yếu về các kỹ năng soạn thảo văn bản liên quan đến đặc thù lĩnh vực hành nghề luật sư. Nguyên nhân của thực trạng này một phần là do họ đã cao tuổi, việc ứng dụng công nghệ thông tin chậm chạp; mặt khác nhiều năm công tác ảnh hưởng từ nghề nghiệp đã thiên về buộc tội... Ví dụ khi luật sư đang thực hiện hoạt động tiếp xúc, trao đổi với khách hàng, quá trình khách hàng đang trình bày say sưa về vụ việc, chưa hiểu hết câu chuyện khách hàng trao đổi, luật sư đã vội ngắt lời và nói: “thôi, thôi, tôi biết rồi, tôi hiểu rồi, không phải nói nhiều”… sau đó luật sư lại hỏi lại khiến khách hàng rất thất vọng. Điều này cho thấy kỹ năng hành nghề của luật sư rất hạn chế, luật sư không biết lắng nghe và không có kỹ năng giao tiếp, trao đổi với khách hàng dẫn đến khách hàng không có niềm tin và việc giao kết hợp đồng chắc chắn không thỏa thuận được.
Từ những phân tích nêu trên cho thấy quy định tại khoản 1 Điều 16; khoản 1 Điều 15; theo đó liên quan đến Điều 12, Điều 13 Luật Luật sư rất cần đặt ra vấn đề nghiên cứu hoàn thiện, nhằm đảm bảo chất lượng đội ngũ luật sư phải thực sự có kỹ năng, có nghề, có tâm và có tầm khi tham gia giải quyết các vụ án, vụ việc trên thực tiễn.
Thứ hai, về quy định cấp chứng chỉ hành nghề luật sư cũng có những bất cập. Tại điểm d khoản 4 Điều 17 Luật Luật sư có quy định: người thuộc một trong những trường hợp sau đây thì không được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư: “d, đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã bị kết án mà chưa được xóa án tích về tội phạm do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý; đã bị kết án về tội phạm nghiêm trọng do cố ý, tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý kể cả trường hợp đã được xóa án tích” .
Thực tiễn thấy rằng, nhiều người do nhiều nguyên nhân, hoàn cảnh khác nhau đã từng thực hiện hành vi phạm tội nghiêm trọng, nhưng đã được xóa án tích, đã trở thành người có ích cho xã hội, có đầy đủ các tiêu chuẩn của luật sư, thậm chí họ đang công tác trong lĩnh vực thuộc các cơ quan, tổ chức nhà nước, cơ quan, tổ chức xã hội… đã được nhiều giấy khen, bằng khen trong quá trình học tập và công tác. Nhiều người có khao khát muốn trở thành luật sư để giúp ích cho xã hội, cho con người, cho đất nước nhiều hơn, nhưng chỉ vì nhân thân đã từng phạm tội nghiêm trọng mà không được xem xét trở thành luật sư, là điều chưa hợp lý. Bởi lẽ, nếu tội phạm thực hiện không thuộc các chương như chức vụ, tham nhũng, xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Nhà nước, chống loài người, khủng bố, hoạt động phỉ, ma túy thì vẫn có thể nghiên cứu, xem xét mở rộng phạm vi cho những trường hợp này.
Theo đó, vấn đề này rất cần đặt ra nghiên cứu, hoàn thiện quy định pháp luật để phù hợp trên thực tiễn, qua đó kết nạp vào đội ngũ luật sư những con người có nhiệt huyết, có khát khao, và thực sự có tài.
Thứ ba, về vấn đề thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư quy định tại Điều 18 Luật Luật sư . Về cơ bản, các quy định về vấn đề này là hợp lý, tuy nhiên thực tiễn còn nhiều trường hợp luật sư không thực hiện nghĩa vụ của mình đối với Liên đoàn Luật sư Việt Nam quy định. Ví dụ: về vấn đề đóng phí luật sư hàng năm để duy trì hoạt động của Liên đoàn, phí không nhiều nhưng nhiều luật sư không đóng phí luật sư cho Liên đoàn, vấn đề này cũng đặt ra nghiên cứu và hoàn thiện.
Thứ tư, quy định về phạm vi hành nghề luật sư (Quy định tại Điều 22 Luật Luật sư). Theo đó quy định về phạm vi hành nghề luật sư chưa thực sự toàn diện, chưa đầy đủ, thực tiễn nhiều luật sư đăng ký ở giai đoạn tiền khởi tố (giai đoạn tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố) đã gặp nhiều bất cập trên thực tiễn, nhiều cơ quan điều tra đã không chấp nhận đăng ký người bào chữa, bảo vệ cho người tố giác, người bị tố giác và người có liên quan trong giai đoạn này vì Bộ luật Tố tụng hình sự không quy định đến chủ thể này và Luật Luật sư quy định không bao quát. Đây cũng là vấn đề cần đặt ra nghiên cứu và hoàn thiện, xác định lại phạm vi hành nghề luật sư.
Thứ năm, về vấn đề tập sự hành nghề luật sư, được quy định tại Điều 14 Luật Luật sư. Theo đó, thực tiễn hành nghề luật sư tập sự đã gặp những trở ngại sau đây:
Một là, một trong các yêu cầu khi tập sự là phải làm, phải thực hành, phải nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, phải có ý kiến và có quan điểm. Nhưng khoản 3 Điều 14 Luật Luật sư lại quy định tập sự luật sư đi theo luật sư hướng dẫn, chuẩn bị các tài liệu cho luật sư hướng dẫn, được tư vấn, được gặp bị can, bị cáo, đương sự khi hỏi cung, lấy lời khai nhưng không được hỏi cung hoặc lấy lời khai.
Hai là, tại phiên tòa trong hoạt động nghề nghiệp, người tập sự hành nghề luật sư không được đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng tại phiên tòa… Việc quy định như vậy đã hạn chế kỹ năng tập sự hành nghề đối với người tập sự, bởi lẽ: họ tham gia vụ, việc từ đầu; nghiên cứu hồ sơ, đưa ra quan điểm giải quyết đối với vụ, việc; đặc biệt, đối với người luật sư khi hành nghề trên thực tiễn thì khẩu khí, giọng nói, kỹ năng phát biểu trước đám đông và tại phiên tòa là điều hết sức quan trọng, nhưng pháp luật hiện hành lại không cho người tập sự nghề của luật sư phát biểu là đã hạn chế đi nhiều đến kỹ năng hành nghề đối với luật sư tập sự. Từ thực tiễn quy định bất cập đó, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 10/2021/TT-BTP ngày 10/12/2021/TT-BTP hướng dẫn tập sự hành nghề luật sư (Thông tư số 10/2021/TT-BTP). Theo đó, tại Điều 6 Thông tư số 10/2021/TT-BTP, các nội dung về tập sự hành nghề luật sư được quy định như sau:
1. Pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư, Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.
2. Kỹ năng nghiên cứu, thu thập tài liệu và đề xuất hướng giải quyết hồ sơ vụ việc.
3. Kỹ năng tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cho người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc là người bảo vệ quyền lợi của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự.
4. Kỹ năng tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hoặc người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính, việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các vụ, việc khác theo quy định của pháp luật.
5 . Kỹ năng tư vấn pháp luật.
6. Kỹ năng đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật.
7. Kỹ năng thực hiện dịch vụ pháp lý khác.
Để phù hợp với thực tiễn hoạt động hành nghề luật sư đối với luật sư tập sự, cũng như phù hợp với hướng dẫn tại Thông tư số 10/2021/TT-BTP, đòi hỏi cần phải nghiên cứu, chỉnh sửa hoàn thiện các quy định của Luật Luật sư cho phù hợp với hành nghề tập sự luật sư trên thực tiễn và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
2. Giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật Luật sư
Từ phân tích những bất cập, hạn chế trong quy định của pháp luật cũng như đã cản trở hoạt động hành nghề của luật sư trên thực tiễn, luận giải vì sao cần phải có những giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật về các vấn đề này. Chúng tôi đề xuất một số giải pháp nhằm đảm bảo hành nghề luật sư đạt hiệu quả cao trên thực tiễn.
Thứ nhất, sửa đổi Điều 12, Điều 13, Điều 16 Luật Luật sư về đào tạo nghề luật sư và quy định về người được miễn đào tạo nghề luật sư; người được miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư.
- Thêm khoản 4 vào Điều 16 Luật Luật sư theo hướng:
(i) Đối với những người là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên cao cấp; chuyên viên cao cấp; nghiên cứu viên cao cấp phải qua khóa học bồi dưỡng kỹ năng hành nghề luật sư tại cơ sở đào tạo nghề luật sư. Lý do: bản thân những người này là chuyên gia trong lĩnh vực họ công tác, tuy nhiên họ cần được trang bị 03 tháng về kỹ năng chung, cũng như các kỹ năng mềm của luật sư khi tham gia giải quyết các vụ án hình sự.
(ii) Đối với người là điều tra viên sơ cấp, thẩm tra viên chính ngành tòa án, kiểm tra viên chính ngành kiểm sát, chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính phải qua khóa học bồi dưỡng kỹ năng hành nghề luật sư tại Học viện Tư pháp 03 tháng. Bởi lẽ: những người này họ đã từng công tác và hành nghề trên thực tiễn nhiều năm, song họ chưa thực sự chuyên sâu về chuyên môn trong các lĩnh vực đó, do vậy rất cần có khóa học bồi dưỡng với chương trình thiết kế riêng về kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp khi tham gia giải quyết các vụ án hình sự.
Sửa Điều 13 Luật Luật sư như sau: bỏ khoản 1; giữ nguyên khoản 2; sửa khoản 3 giữ lại giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật; sửa khoản 4 chỉ giữ lại giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật.
Sửa Điều 12 Luật Luật sư như sau: khoản 2 quy định về thời gian đào tạo luật sư, theo đó: (1) Thời gian đào tạo luật sư là 12 tháng; tuy nhiên đối với những người quy định thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên cao cấp; chuyên viên cao cấp; nghiên cứu viên cao cấp phải qua khóa học bồi dưỡng kỹ năng hành nghề luật sư tại cơ sở đào tạo nghề luật sư 03 tháng; (2) Đối với người là điều tra viên sơ cấp, thẩm tra viên chính ngành tòa án, kiểm tra viên chính ngành kiểm sát, chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính phải qua khóa học bồi dưỡng kỹ năng hành nghề luật sư tại cơ sở đào tạo nghề luật sư 06 tháng. Luận giải về vấn đề này như phần nội dung trên chúng tôi đã đề cập và phân tích.
Thứ hai, sửa đổi điểm d khoản 4 Điều 17 Luật Luật sư về cấp chứng chỉ hành nghề luật sư.
Trên cơ sở phân tích thực trạng và quy định pháp luật nêu trên, tác giả đề xuất giải pháp cần hoàn hiện tại điểm d, đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã bị kết án mà chưa được xóa án tích về tội phạm do vô ý, tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý, hoặc tội phạm nghiêm trọng do cố ý; tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý kể cả trường hợp đã được xóa án tích. Luận giải lý do đưa ra giải pháp này, ở phần thực trạng tác giả đã nêu và phân tích.
Thứ ba, bổ sung điểm g cho Điều 18 Luật Luật sư về việc thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư.
Đề xuất bổ sung tại điểm g, không thực hiện nghĩa vụ luật sư theo quy định của Liên đoàn luật sư Việt Nam mặc dù đã thông báo nhắc nhở 2 lần.
Thứ tư, sửa đổi khoản 1 Điều 22 Luật Luật sư về phạm vi hành nghề luật sư.
Sửa đổi theo hướng mở rộng hơn phạm vi hành nghề luật sư. Việc quy định mở rộng phạm vi hành nghề là một giải pháp đảm bảo sự toàn diện, đầy đủ, phù hợp với quy định của pháp luật và kỹ năng hành nghề luật sư trên thực tiễn. Cụ thể sửa như sau: 1. Tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc là người bảo vệ quyền lợi của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người tố giác hoặc người bị tố giác trong vụ án hình sự.
Thứ năm, sửa đổi Điều 14 Luật Luật sư về tập sự hành nghề luật sư.
Nội dung sửa đổi theo hướng phù hợp với yêu cầu thực tiễn đối với tập sự luật sư, cũng như Luật Luật sư phù hợp với quy định trong hướng dẫn tại Thông tư số 10/2021/TT-BTP ngày 10/12/2021 của Bộ Tư pháp tại Điều 6, cụ thể sửa Điều 14 Luật Luật sư theo hướng như sau:
Điều 14. Tập sự hành nghề luật sư
…..
3. Người tập sự hành nghề luật sư được giúp luật sư hướng dẫn trong hoạt động nghề nghiệp. Trường hợp được sự đồng ý của luật sư hướng dẫn thì tập sự luật sư được tham gia hoạt động lấy lời khai, hỏi cung, được đặt câu hỏi nếu được điều tra viên và luật sư hướng dẫn đồng ý; được trình bày quan điểm bào chữa tại phiên tòa; được thực hiện hoạt động hỏi, đối đáp, tranh luận và đưa ra ý kiến nếu được sự đồng ý của luật sư hướng dẫn;
Người tập sự hành nghề luật sư được đi cùng với luật sư hướng dẫn gặp gỡ người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự, nguyên đơn, bị đơn và các đương sự khác trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính khi được người đó đồng ý; giúp luật sư hướng dẫn nghiên cứu hồ sơ vụ, việc, thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến vụ, việc và các hoạt động nghề nghiệp khác; được tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và thực hiện các dịch vụ pháp lý khác theo sự phân công của luật sư hướng dẫn khi được khách hàng đồng ý.
Luật sư hướng dẫn phải giám sát và chịu trách nhiệm về các hoạt động của người tập sự hành nghề luật sư quy định tại khoản này.
4. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định cụ thể việc tập sự hành nghề luật sư.
Trên đây là một số vấn đề bất cập, vướng mắc khi triển khai thực thi Luật Luật sư trên thực tiễn. Đồng thời tác giả cũng mạnh dạn nêu một số giải pháp nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến những vấn đề này./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Luật Luật sư năm 2006; sửa đổi, bổ sung năm 2012.
2. Thông tư số 10/2021/TT-BTP ngày 10/12/2021 của Bộ Tư pháp về hướng dẫn tập sự hành nghề luật sư.