Án tích là cụm từ dùng để chỉ một người thực hiện hành vi phạm tội, bị tòa án kết án bằng một bản án có hiệu lực pháp luật và chưa được xóa án. Như vậy, án tích nói lên hành vi phạm tội trong quá khứ của một con người...
| T.S Nguyễn Thanh Mai, Trưởng bộ môn Hình sự - Học viện Tư pháp, Chuyên gia tư vấn luật, Trưởng phòng phụ trách án hình sự của Công ty Luật TNHH An Dân Việt.
|
Án tích là cụm từ dùng để chỉ một người thực hiện hành vi phạm tội, bị tòa án kết án bằng một bản án có hiệu lực pháp luật và chưa được xóa án. Như vậy, án tích nói lên hành vi phạm tội trong quá khứ của một con người, là dấu tích thể hiện một người đã từng phạm tội và bị kết án, nó cũng là một trong những nội dung quan trọng khi các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét nhân thân phạm tội của người đó, để quyết định việc phạm tội lần sau của họ có thuộc trường hợp tái phạm, hoặc tái phạm nguy hiểm hay không, cũng như xem xét việc xóa án tích để không vận dụng tình tiết tăng nặng hoặc tình tiết định khung tăng nặng đó nữa.
Việc quy định chế định án tích và xóa án tích trong BLHS 2015 đã thể hiện rõ tính nhân đạo của Nhà nước ta đối với người thực hiện hành vi phạm tội và bị kết án. Ngay tại khoản 1 Điều 69 BLHS 2015 đã quy định “người được xóa án tích coi như chưa bị kết án”, theo đó việc quy định này đã khuyến khích người bị kết án luôn tự giác tu sửa mình, thực hiện tốt nghĩa vụ của một công dân sau khi đã chấp hành xong bản án tái hòa nhập cộng đồng, không tái phạm tội, luôn phấn đấu trở thành người công dân có ích cho xã hội, sau một thời gian nhất định họ sẽ được xóa án tích và khi đã được xóa án tích họ coi như là người chưa bị kết án.
Việc quy định chế định án tích và xóa án tích trong BLHS 2015 đã thể hiện rõ tính nhân đạo của Nhà nước ta đối với người thực hiện hành vi phạm tội và bị kết án. Ngay tại khoản 1 Điều 69 BLHS 2015 đã quy định “người được xóa án tích coi như chưa bị kết án”, theo đó việc quy định này đã khuyến khích người bị kết án luôn tự giác tu sửa mình, thực hiện tốt nghĩa vụ của một công dân sau khi đã chấp hành xong bản án tái hòa nhập cộng đồng, không tái phạm tội, luôn phấn đấu trở thành người công dân có ích cho xã hội, sau một thời gian nhất định họ sẽ được xóa án tích và khi đã được xóa án tích họ coi như là người chưa bị kết án.
Theo quy định về các trường hợp xóa án tích theo quy định của BLHS mới 2015 so với BLHS 1999 có một số điểm mới, trong bài viết này chúng ta cùng tìm hiểu, phân tích những điểm quy định mới này
Một là, tại khoản 2 Điều 69 BLHS 2015 có quy định: không coi là có án tích khi có đủ các điều kiện cần và đủ sau: bị kết án về lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và được miễn hình phạt thì không coi là có án tích. Đây là một quy định mới của BLHS 2015 so với BLHS năm 1999, theo đó một người mặc dù thực hiện hành vi phạm tội và bị kết án, nhưng nếu họ thực hiện một tội phạm ít nghiêm trọng (tội phạm ít nghiêm trọng là tội mà có mức cao nhất của khung hình phạt là phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm); hoặc họ thực hiện một tội phạm nghiêm trọng (tội phạm nghiêm trọng là tội có mức cao nhất của khung hình phạt là từ trên 03 năm đến 07 năm tù) cùng với loại tội phạm mà họ thực hiện trên kèm theo đó là lỗi khi thực hiện loại tội phạm này phải là lỗi vô ý; hoặc người được miễn hình phạt cũng coi là không có án tích. Từ đó chúng ta có thể xây dựng công thức cho trường hợp này như sau:
Công thức 1:
Không có án tích khi:
Tội phạm ít nghiêm trọng |
+ |
Lỗi vô ý |
= |
Không có án tích |
Tội phạm nghiêm trọng | ||||
Miễn hình phạt |
Hai là, BLHS năm 2015 có quy định về các trường hợp đương nhiên xóa án tích như sau:
Thứ nhất: Điều kiện để xóa án tích trong BLHS 2015 vẫn quy định như luật 1999, theo đó đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội quy định tại chương XIII và chương XXVI của BLHS 2015, khi họ đã chấp hành xong toàn bộ bản án, bao gồm: chấp hành xong hình phạt chính, hết thời gian thử thách án treo, hết thời hiệu thi hành bản án, chấp hành xong hình phạt bổ sung, cũng như các quyết định khác trong bản án. Tuy nhiên có bổ sung một quy định mới, đó là có sự thay đổi về thời hạn không phạm tội mới như: sau khi chấp hành xong bản án, không phạm tội mới trong thời hạn sau: 01 năm đối với trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, CTKGG, phạt tù nhưng được hưởng án treo; 02 năm trong trường hợp phạt tù đến 05 năm; 03 năm trong trường hợp phạt tù từ 05 năm đến 15 năm; 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án (Xem thêm khoản 1 Điều 70 BLHS 2015 và khoản 2 Điều 70 BLHS 2015). Như vậy, theo quy định mới này thời hạn để xóa án tích đã được rút ngắn hơn so với quy định trong BLHS 1999.
Thứ hai: BLHS 2015 có quy định mới đó là: khi người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt chính, các quyết định khác, nhưng chưa chấp hành xong hình phạt bổ sung (quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân) mà thời hạn phải chấp hành hình phạt bổ sung này lại dài hơn thời hạn tính xóa án tích nêu trên, thì thời hạn đương nhiên xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung (Xem thêm đoạn 2 khoản 2 Điều 70 BLHS 2015).
Ví dụ: A bị tòa án nhân dân Huyện K kết án 3 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị phạt tiền 5 triệu đồng, cấm hành nghề trong 5 năm. A đã chấp hành xong hình phạt 3 năm tù, nộp 5 triệu tiền phạt, đóng án phí đầy đủ. Ra tù, A còn phải chấp hành 5 năm cấm hành nghề theo quyết định về hình phạt bổ sung trong bản án.
Đối chiếu với quy định về thời hạn xóa án tích trong BLHS 2015, thì với mức án 03 năm tù, việc xóa án đặt ra với A là 02 năm sau khi A đã chấp hành xong toàn bộ bản án mà tòa án tuyên. Tuy nhiên, theo quy định của BLHS mới, vì thời hạn chấp hành hình phạt bổ sung dài hơn thời hạn xóa án tích, với trường hợp cụ thể này là dài hơn 3 năm, thì người đó sau khi chấp hành xong hình phạt bổ sung là coi như đã xóa án tích (tất nhiên có kèm theo điều kiện khi chấp hành hình phạt bổ sung không được phạm tội mới). Theo chúng tôi Quy định mới của BLHS 2015 như vậy chưa thỏa đáng, ở chỗ quy định đó đã đánh đồng giữa người bị kết án về tội nghiêm trọng với rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Theo đó, thời gian xóa án tích của những bản án trên sẽ như nhau, nếu họ đều có hình phạt bổ sung giống nhau là quản chế, cấm cư trú, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định ở khoảng thời gian bằng nhau là 05 năm. Cần xem lại quy định này, dù có thể hiện tính nhân đạo, nhưng phải đảm bảo tính công bằng. Theo tôi, nên loại bỏ đoạn quy định này thì hợp lý hơn, nó không làm mất đi tính nhân đạo của Nhà nước với người phạm tội, mà nó còn thể hiện sự nghiêm minh và tính công bằng đối với người phạm tội.
Từ sự phân tích trên, chúng ta có thể xây dựng công thức số 2 cho trường hợp xóa án tích như sau:
CÔNG THỨC 2
Xóa án khi:
Chấp hành xong toàn bộ bản án hoặc Hết thời hiệu thi hành bản án | + | Không phạm tội mới sau khoảng thời gian | = | XÓA ÁN TÍCH |
01 năm (phạt cảnh cáo, phạt tiền, CTKGG) 02 năm (phạt tù đến 05 năm) 03 năm (phạt tù từ 05 năm đến 15 năm) 05 năm (phạt tù từ trên 15 năm, chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án) | ||||
Chú ý: nếu hình phạt bổ sung dài hơn mức thời gian xem xét xóa án ở cột 3, thì khi người kết án chấp hành xong hình phạt bổ sung coi như đã xóa án tích. |
Thứ ba, có sự thay đổi về quy định cách tính thời hạn để xóa án tích. Nếu BLHS 1999 quy định: trong thời gian xóa án tích mà người đó lại phạm tội mới thì thời gian xóa án tích của bản án cũ được tính lại kể từ ngày chấp hành xong bản án mới (chấp hành xong được hiểu: chấp hành hết hình phạt chính, bổ sung, các quyết định khác trong bản án). Tuy nhiên, BLHS 2015 có quy định khác: tại khoản 2 Điều 73 BLHS 2015 có quy định: Người bị kết án chưa được xóa án tích mà thực hiện hành vi phạm tội mới, mà bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật thì thời hạn xóa án tích cũ được tính lại kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách án treo của bản án mới hoặc từ ngày bản án mới hết hiệu lực thi hành. Quy định mới trong BLHS 2015 này đã có sự giảm nhẹ đi rất nhiều khi tính xóa án tích cho bản án cũ, việc xóa án tích của bản án cũ chỉ phụ thuộc vào việc chấp hành hình phạt chính của bản án mới hoặc bản án mới hết thời hiệu thi hành án, khác với quy định trong BLHS 1999 đó là việc xóa án tích của bản án cũ chỉ đặt ra khi chấp hành xong bản án mới (cả hình phạt chính, hình phạt bổ sung và các quyết định khác). Từ sự phân tích trên, chúng ta có thể xây dựng công thức thứ 3 cho việc xóa án tích theo BLHS 2015 như sau:
CÔNG THỨC 3
BẢN ÁN CŨ |
+ |
CHƯA ĐƯỢC XÓA |
+ |
PHẠM TỘI MỚI |
= | Xóa án của bản án cũ tính lại khi chấp hành xong hình phạt chính của bản án mới |
Chú ý: Bản án mới xóa án tính theo công thức số 2 |
Thứ tư, tại khoản 3 Điều 73 BLHS 2015 quy định về xóa án tích trong trường hợp một người phạm nhiều tội, có tội thuộc trường hợp đương nhiên xóa án tích, có tội thuộc trường hợp xóa án tích do Tòa án quyết định (những tội thuộc chương XIII và chương XXVI là những tội xóa án tích do Tòa án quyết định). Theo quy định tại khoản 3 Điều 73 BLHS 2015, việc xóa án tích sẽ do Tòa án quyết định. Chúng tôi cho rằng quy định mới này của BLHS 2015 không hợp lý. Vì lẽ, mỗi người thực hiện hành vi phạm tội độc lập sẽ có bản án độc lập, do đó việc xóa án tích cho bản án đó cũng phải được thực hiện độc lập, không phụ thuộc bản án nào xóa trước, xóa sau. Có bản án thực hiện trước nhưng lại được xóa án sau, có những bản án thực hiện sau, tuyên sau nhưng lại được xóa án trước, nó phụ thuộc vào tính chất loại tội mà người thực hiện hành vi phạm tội đã phạm phải, phụ thuộc vào lỗi của người thực hiện hành vi phạm tội, cũng như phụ thuộc vào thời điểm thực hiện hành vi phạm tội. Những trường hợp đương nhiên xóa án tích thì nó mặc nhiên xóa khi đủ các điều kiện để xóa, còn bản án thuộc trường hợp xóa án do Tòa án quyết định thì việc xóa án tích sẽ thực hiện theo quy định tại Điều 71 BLHS 2015. Việc xem xét xóa án tích trong trường hợp này cá nhân người bị kết án phải có đơn xin xóa án gửi đến Tòa án, nếu không làm đơn, Tòa án sẽ không xem xét và người đó vẫn mãi là người có án tích và nếu phạm tội mới thì sẽ bị xem là có thuộc trường hợp cấu thành tội phạm cho lần phạm tội sau, hoặc có thuộc trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm hay không. Do đó, việc cá nhân công dân xin xóa án tích đối với những tội do Tòa án quyết định cần thông báo cụ thể cho họ biết để họ thực hiện quyền của mình. Hai loại án này khác nhau, do đó việc quy định tại khoản 3 này là chưa hợp lý.
Thứ năm, quy định về việc xóa án tích đối với người chưa thành niên phạm tội. Theo quy định tại Điều 107 BLHS 2015, thì người dưới 18 tuổi bị kết án được coi là không có án tích khi thuộc 1 trong các trường hợp sau đây:
- Những người phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đều không coi là có án tích;
- Những người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi không coi là có án tích khi tội mà họ phạm phải là tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng (với cả hai loại lỗi cố ý hoặc vô ý) hoặc tôi phạm rất nghiêm trọng với lỗi vô ý.
- Người áp dụng biện pháp tư pháp không coi là có án tích
- Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội rất nghiêm trọng với lỗi cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (với lỗi cố ý hoặc vô ý) thì đương nhiên xóa án tích nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách của án treo hoặc tính từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong khoảng thời gian là:
i, 06 tháng trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, phải cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng được hưởng án treo;
ii, 01 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
iii, 02 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm
iv, 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm
Từ sự phân tích trên, chúng ta có thể xây dựng công thức thứ 4 cho việc xóa án tích như sau:
CÔNG THỨC 4: xóa án với người chưa thành niên
Độ tuổi | Loại tội phạm | Lỗi | Thời gian xóa |
14-16 | Mọi loại tội phạm | Cố ý+vô ý | Coi như không có án tích |
16-18 | Tội phạm ít nghiêm trọng Tội phạm nghiêm trọng Tội phạm rất nghiêm trọng | Cố ý+vô ý Cố ý+vô ý Vô ý | Coi như không có án tích |
16-18 | Tội phạm rất nghiêm trọng Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng | Cố ý Cố ý+vô ý | 06 tháng trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, phải cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng được hưởng án treo; 01 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm; 02 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm |
Chú ý: Người áp dụng biện pháp tư pháp không coi là có án tích |
Tuy nhiên, BLHS 2015 lại không có q uy định riêng cho người chưa thành niên phạm tội xóa án tích khi phạm vào những tội thuộc chương XIII và chương XXVI. Việc quy định tại Điều 107 BLHS 2015 chỉ dành đối với những tội thuộc trường hợp đương nhiên xóa án tích, hay cho cả những tội thuộc trường hợp xóa án do Tòa án quyết định? Nếu đây chỉ là quy định cho trường hợp đương nhiên xóa án, thì việc xóa án do tòa án quyết định đối với người đã thành niên và chưa thành niên đều quy định giống nhau hay có sự khác nhau? Đây là vấn đề chưa rõ cần có quy định rõ hơn về vấn đề này, vì dù sao chính sách hình sự cho người chưa thành niên phạm tội cũng có nhiều ưu ái hơn người đã thành niên phạm tội, mới thể hiện đầy đủ đường lối, chính sách và nguyên tắc nhân đạo trong BLHS 2015.
Trên đây là một số quan điểm của tác giả về chế định xóa án tích và các quy định về việc xóa án tích, tác giả nêu ra và mong muốn bạn đọc cùng bàn luận thêm về vấn đề này, sao cho chế định này thực sự thể hiện tốt tính nhân đạo của Nhà nước, song cũng phải thể hiện được sự nghiêm minh của pháp luật và sự công bằng./.