Vấn đề chuyển hóa tội danh là vấn đề quan trọng, đôi khi quyết định sinh mệnh chính trị của một con người. Việc chuyển hoá tội danh chỉ đặt ra ở giai đoạn...
Thực tiễn cho thấy, vấn đề chuyển hóa tội danh là vấn đề quan trọng, đôi khi quyết định sinh mệnh chính trị của một con người. Việc chuyển hoá tội danh chỉ đặt ra ở giai đoạn tội phạm chuẩn bị, chưa đạt hoặc hoàn thành chưa kết thúc, theo đó việc chuyển hoá sẽ không đặt ra với trường hợp tội phạm hoàn thành kết thúc.
Vậy khi nào thì chuyển hoá và vấn đề chuyển hoá sẽ giải quyết như thế nào?
* Chuyển hóa tội danh có thể hiểu là: Ban đầu các đối tượng phạm tội rủ nhau, bàn bạc thực hiện một tội danh như: Trộm cắp tài sản; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Cướp tài sản hoặc Giết người. Tuy nhiên, khi thực hiện theo sự bàn bạc đó, có những diễn biến thực tế khác so với sự bàn bạc lúc đầu, khiến cho chiều hướng của vụ án rẽ sang hướng khác. Ví dụ: A, B và C bàn nhau vào nhà bà K để thực hiện hành vi Cướp tài sản, phân công từng người có vai trò khác nhau khi thực hiện tội phạm đó, nhưng khi đến hiện trường thì bà K không có nhà, sự việc chuyển sang hướng khác không còn như dự định ban đầu. Hoặc ngược lại, bàn bạc với nhau đi Trộm cắp tài sản, khi đến nơi thì phát sinh sự chống trả lại và đã sử dụng hung khí tấn công để lấy bằng được tài sản. Theo đó, những trường hợp nêu trên tội danh không còn như bàn bạc lúc đầu, diễn biến thực tế đã thay đổi, theo đó việc xác định tội danh sẽ trên cơ sở thực tiễn diễn biến của hành vi phạm tội và tội phạm đã chuyển hoá sang tội danh khác.
* Chuyển hóa tội danh có những dấu hiệu đặc trưng sau:
Thứ nhất, diễn biến thực tế của hành vi phạm tội đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm (chủ thể, chủ quan, khách thể và khách quan).
Thứ hai, chuyển hóa tội danh chỉ diễn ra ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt hoặc phạm tội hoàn thành chưa kết thúc. Theo đó, khi xuất hiện các tình tiết làm thay đổi kế hoạch dự tính ban đầu, chính vì thế tội phạm ban đầu sẽ được chuyển hóa sang tội danh mới. Đối với trường hợp tội phạm đã hoàn thành kết thúc thì sẽ không xuất hiện trường hợp chuyển hóa sang tội danh khác, vì khi đó, các tình tiết mới có liên quan sẽ không còn ý nghĩa làm thay đổi bản chất của tội phạm.
Thứ ba, các tình tiết có thể làm chuyển hóa tội danh rất đa dạng, bao gồm: (i) Những tình tiết làm thay đổi đối tượng tác động, dẫn đến khách thể tội phạm thay đổi và tội phạm thực hiện đã chuyển hóa tội danh; (ii) Những tình tiết mới làm thay đổi các dấu hiệu trong mặt khách quan của tội phạm đang thực hiện các dấu hiệu mới phù hợp với mặt khách quan của tội phạm khác dẫn đến chuyển hóa tội danh; (iii) Những tình tiết làm thay đổi các dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội phạm ban đầu dẫn đến việc chuyển hóa tội danh. Lỗi hoặc động cơ, mục đích là dấu hiệu bắt buộc trong mặt chủ quan của cấu thành tội phạm, trong nhiều trường hợp khi hành vi vi phạm lúc đầu chỉ là vô ý, nhưng trong diễn biến tiếp theo do nhận thức rõ hành vi nguy hiểm nhưng cố tình thực hiện hậu quả thiệt hại đã xảy ra những tình tiết mới phản ánh thái độ và nhận thức đã tạo ra dấu hiệu lỗi cố ý và đây là cơ sở xuất hiện tội phạm mới. Vì vậy, vấn đề chuyển hóa tội danh phải được đặt ra.
Ví dụ: do không quan sát nên A lái xe đâm vào B, thấy B chưa chết, nhưng nghĩ nếu B bị thương nặng A sẽ phải nuôi B suốt đời, nên A đã lái xe chờ đi chờ lại 2,3 lần mới dừng hẳn xuống xe, rời khỏi hiện trường. Hành vi này của A lúc đầu là do lỗi vô ý, có dấu hiệu của tội Vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 BLHS. Nhưng A đã không dừng lại ở đó, mục đích của A là muốn B chết hẳn, nên có hành vi chờ đi chờ lại 2-3 lần mới dừng lại. Hành vi này đã chuyển hoá sang tội Giết người theo quy định tại Điều 123 BLHS.
Thứ tư, khi xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội phải truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội danh mới (tội danh được chuyển hóa). Ngoài ra, cần lưu ý, nếu diễn biến thực tế của hành vi phạm tội xâm hại nhiều khách thể độc lập khác nhau thì sẽ xử lý nhiều tội danh khác nhau.
Ví dụ: Ban đầu A có ý định thực hiện hành vi Trộm cắp tài sản, sau đó phát sinh bị phát hiện và bị đuổi bắt, nên A đã sử dụng hung khí chống trả quyết liệt, khiến 01 nạn nhân tử vong do vết đâm thấu ngực. Hành vi của A đã chuyển hoá tội danh từ trộm cắp tài sản sang Cướp tài sản, đồng thời A còn bị xử lý thêm tội danh khác là Giết người.
* Yếu tố “giằng co” khi sử dụng vũ lực có phải là yếu tố bắt buộc khi xác định tội danh chuyển hoá không?
Thực tiễn cho thấy, hiện nay đang tồn tại nhiều quan điểm trái chiều về vấn đề này, cụ thể như sau:
Quan điểm 1: cho rằng việc sử dụng vũ lực mà không có yếu tố “giằng co tài sản” thì không chuyển hoá, việc sử dụng vũ lực đó chỉ là yếu tố định khung “hành hung để tẩu thoát”;
Quan điểm 2: Mọi trường hợp sử dụng vũ lực nhằm tấn công, cản trở những người đuổi bắt và chiếm đoạt tài sản lấy được đều chuyển hoá sang tội Cướp tài sản
Quan điểm 3: Tuỳ thuộc và diễn biến thực tế của hành vi, thể hiện hành vi khách quan để quyết định có hay không chuyển hoá tội danh. Nếu nhằm thoát thân thì không chuyển hoá, nếu thể hiện tính quyết liệt để giữ bằng được tài sản đã lấy thì sẽ chuyển hoá.
Vậy, trường hợp nào thoát thân và trường hợp nào thể hiện sự quyết liệt giữ tài sản thì chưa có hướng dẫn cụ thể, do đó việc xử lý trên thực tiễn vẫn theo lối mòn cứ tấn công và còn giữ tài sản là Cướp.
Liệu 1 trong 3 quan điểm trên có quan điểm nào đúng và quan điểm nào chưa đúng? Hay cả 3 quan điểm trên đều chưa chuẩn? Chúng ta cùng nghiên cứu tình huống sau:
Ví dụ: A vào nhà ông K lấy được 02 sợi dây chuyền vàng, 10 nghìn USD bỏ vào túi quần rồi bỏ chạy, A bị quần chúng nhân dân vây đuổi, A đã sử dụng hung khí mang theo là con dao tấn công lại những người vây đuổi và có 01 người bị thương 21%, A đã chạy thoát thân, tài sản vẫn nguyên vẹn trong túi quần.
Với dữ kiện này hiện nay có 2 quan điểm: 1, cho rằng A đã chuyển hoá tội danh từ Trộm cắp tài sản sang Cướp tài sản; 2, cho rằng A vẫn phạm tội Trộm cắp tài sản nhưng với tình tiết định khung “hành hung tẩu thoát” và tỷ lệ tổn thương cơ thể nếu đủ cấu thành sẽ xử lý thêm về tội Cố ý gây thương tích.
Phân tích tình huống trên, thấy: Tài sản mà A trộm cắp được là vàng và tiền đã bỏ vào túi quần. Giá trị bao nhiêu, phụ thuộc vào kết luận của Hội đồng định giá tài sản.
Bối cảnh diễn ra: A bị phát hiện và đang bị truy đuổi khi đã bỏ tài sản lấy được vào túi quần.
Hành vi của A: dữ kiện chỉ nêu “Sử dụng con dao, tấn công lại”, cụm từ này vẫn chưa toát ra vấn đề: A có quyết liệt chống trả lại những người đuổi bắt để giữ bằng được tài sản đã lấy được hay không? Hay A vừa tấn công vừa bỏ chạy? Việc tấn công của A có quyết liệt không, hay chỉ đe doạ “nếu ai tới gần sẽ bị chém”? A dừng hẳn lại tấn công quyết liệt những người vây đuổi và gây thương tích cho 01 người? Hay do vừa khua khoắng vừa chạy không chủ đích gây thương tích cho ai? Việc vừa bỏ chạy vừa tấn công để chạy thoát, thì thò tay vào túi quần móc tiền, vàng ra để trả còn khó khăn hơn nhiều là chạy thoát thân.
Đối chiếu với hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV “Các tội xâm phạm sở hữu” của Bộ luật Hình sự năm 1999 (Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP) đã quy định một nội dung có liên quan đến trường hợp chuyển hóa tội danh. Cụ thể, Mục 6.2 có quy định: “Nếu người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng đã bị người bị hại hoặc người khác giành lại, mà người phạm tội tiếp tục dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc tấn công người bị hại hoặc người khác nhằm chiếm đoạt cho được tài sản, thì trường hợp này không phải là “hành hung để tẩu thoát” mà đã có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội cướp tài sản”. Từ hướng dẫn này, thực tiễn cho thấy có nhiều quan điểm: Nếu không có sự giành lại khi sử dụng vũ lực tức là “giằng co lại tài sản” thì không có chuyển hoá sang Cướp; quan điểm khác cho rằng cứ sử dụng vũ lực và tài sản đã lấy được là chuyển hoá sang Cướp.
Từ những phân tích nêu trên, dẫn chiếu quy định pháp luật, chúng ta đi đến nhận định sau:
1 là, khi người phạm tội đã lén lút lấy được tài sản, nếu tài sản đó là những vật phải ôm, bê, vác…(to, không thể cho vào người được) mà bị phát hiện và đuổi bắt, người phạm tội đã sử dụng vũ lực tấn công, giữ cho bằng được tài sản đã lấy được đó, không vứt bỏ lại tài sản để chạy thoát thân, thì trường hợp này tội phạm đã chuyển hoá tội danh từ trộm cắp tài sản sang Cướp tài sản;
2 là, khi người phạm tội đã lén lút lấy được tài sản, nếu tài sản đó là những vật nhỏ, dễ bỏ vào trong người (tiền, vàng, dây chuyền, đồng hồ…), bị phát hiện và đuổi bắt, người phạm tội đã sử dụng vũ lực tấn công lại những người truy đuổi, thì đặt ra 2 trường hợp sau:
+ Trường hợp thứ nhất: Người phạm tội dừng lại, tấn công quyết liệt những người vây đuổi để giữ cho bằng được tài sản đã lấy trước đó. Trường hợp này tội phạm đã chuyển hoá tội danh sang Cướp tài sản;
+ Trường hợp thứ hai: Người phạm tội vừa chạy vừa tấn công nhằm cản trở việc những người đuổi theo bắt được mình, mục tiêu thoát thân (không thể hiện tính quyết liệt ở việc tấn công trong hành vi phạm tội khách quan) thì chỉ là “hành hung để tẩu thoát”.
Trên đây là quan điểm cá nhân, quan điểm này mang tính chất tham khảo./.