Tác giả: Nguyễn Thanh Mai, Vũ Thị Hương
Tóm tắt: Bình luận vụ án hình sự đã xét xử sơ thẩm số bản án: 06/2021/HS-ST ngày 01/04/2020 của Tòa án nhân dân huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang xét xử đối với bị cáo Phạm Bằng Gi, sinh năm 1975 về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 174 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Đây là vụ án hình sự tương đối phức tạp, sau phiên tòa đã có nhiều quan điểm, ý kiến trái chiều, bản thân người bị kết án luôn kêu oan, gửi đơn thư tới nhiều nơi như: Cục điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Ủy ban Tư pháp Quốc hội; Tòa án nhân dân các cấp; Viện kiểm sát nhân dân các cấp… các trang báo, truyền hình VTV 24 cũng đưa tin. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin nêu quan điểm, ý kiến của mình về việc giải quyết vụ án nêu trên.
I. NỘI DUNG VỤ ÁN
1. Nguyễn Văn Ng có mối quan hệ với Phạm Bằng Gi (công tác tại Ban quản lý bảo tồn Tây Yên Tử), năm 2011 Ng có nhờ Gi mua hộ mảnh đất ở địa bàn xã Tuấn Mậu (nay là thị trấn Tây Yên Tử), huyện Sơn Động, Gi đồng ý. Gi mua của ông Triệu Hữu Được với giá 200 triệu gồm 200m2 đất thổ cư (ONT) và 280m2 đất trồng cây lâu năm (CLN). Gi nói với Ng mua mảnh đất trên 360 triệu, ông Ng đồng ý mua, ngày 25/7/2011 ông Ng đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) số 01343 mang tên Nguyễn Văn Ng.
2. Năm 2015, UBND huyện Sơn Động có quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện dự án mở rộng đường tỉnh 293 và tuyến đường nhánh vào khu du lịch tâm linh-sinh thái Tây Yên Tử, thuộc xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang, biết được thông tin trên Gi đã gọi và nói cho Ng biết. Ng có nhờ Gi xem đất có nằm trong diện được đền bù GPMB không và đưa cho Gi GCNQSDĐ mang tên mình. Gi cầm GCNQSDĐ đưa cho ông Hoàng Văn Đạt, là cán bộ địa chính xã Tuấn Mậu (nay là thị trấn Tây Yên Tử) để kiểm tra hồ sơ. Sau đó Gi biết được đất của ông Ng bị thu hồi 116,7m2 đất thổ cư, nhưng Gi không nói cho ông Ng biết, ông Ng có gọi điện hỏi thì Gi nói đất của ông Ng không được thu hồi và không đền bù. Gi đã trực tiếp gặp anh Bùi Hữu Tiến là cán bộ trong Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng của huyện Sơn Động, người có trách nhiệm lập hồ sơ GPMB diện tích đất của ông Nguyễn Văn Ng để cung cấp thông tin liên quan đến việc bồi thường đất. Gi hỏi Tiến “không có sổ gốc có lấy được tiền không”, anh Tiến trả lời là “Không lấy được”. Gi nói với Tiến là “Gi mua chung với Ng, hiện ông Ng đi nước ngoài không có nhà”, anh Tiến tin tưởng viết thêm tên Phạm Bằng Gi vào hồ sơ nhận tiền đền bù đất của ông Ng. Sau đó Hội đồng Bồi thường GPMB huyện Sơn Động quyết định thu hồi diện tích đất của ông Ng là 116,7m2 đất thổ cư và bồi thường số tiền 70.020.000 đồng (Bẩy mươi triệu không trăm hai mươi nghìn đồng).
3. Ngày 11/5/2016, Phạm Bằng Gi đến Ủy ban nhân dân (UBND) xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động để nhận tiền đền bù diện tích đất của ông Nguyễn Văn Ng, Gi xuất trình giấy chứng minh nhân dân của Gi và GCNQSDĐ mang tên ông Ng cho bộ phận chi trả tiền đền bù, lúc đó ông Hoàng Văn Dậu là thủ quỹ đất và Cụm công nghiệp huyện Sơn Động trực tiếp chi trả tiền đền bù. Khi kiểm tra thông tin trong danh sách chi trả tiền thấy ghi “Nguyễn Văn Ng (Phạm Hồng Gi)” nên đã viết thêm dòng chữ “Phạm Bằng Gi” dưới chữ Phạm Hồng Gi. Gi ký vào danh sách nhận tiền 70.020.000 đồng. Sau khi nhận số tiền trên, Gi không thông báo cho Ng biết. Ông Ng có điện thoại hỏi Gi là đất của ông có được đền bù gì không thì Gi nói không được đền bù và cũng không giao lại GCNQSDĐ cho ông Ng ngay mà đưa cho mẹ mình là bà Lê Thị Sáu giữ hộ, ông Ng gọi hỏi nhiều lần nhưng Gi chưa trả, đến khoảng tháng 05/2017 Gi gọi điện cho Ng đến nhà bà Sáu lấy GCNQSD đất.
4. Khoảng tháng 05/2018, ông Ng có nhu cầu bán toàn bộ diện tích đất và nhờ Gi xin xác nhận hiện trạng, Gi nhận lời nhưng không làm, vì vậy ông Ng đã đến UBND xã Tuấn Mậu (nay là thị trấn Tây Yên Tử), huyện Sơn Động, gặp anh Trịnh Quý Huy, là cán bộ địa chính xã kiểm tra GCNQSDĐ, thì anh Huy xác định đất của ông Ng đã bị Nhà nước thu hồi một phần và đã được bồi thường, lúc này ông Ng mới biết Gi đã lấy số tiền đền bù GPMB là 70.020.000 đồng, sau đó ông Ng gọi điện hỏi Gi lý do đất đã bị thu hồi sao không thông báo cho ông Ng biết. Số tiền trên Gi đã trót chi tiêu vào việc khác, Gi thừa nhận là sai và xin vợ chồng ông Ng cho hướng giải quyết để khắc phục hậu quả, ông Ng đã ghi âm toàn bộ nội dung cuộc nói chuyện trên. Ngày 19/8/2018, ông Ng đã làm đơn tố cáo hành vi chiếm đoạt tài sản của Phạm Bằng Gi.
5. Quá trình điều tra, Trung tâm phát triển quỹ đất và Cụm công nghiệp đã giao nộp cho Cơ quan điều tra các tài liệu, giấy tờ liên quan đến công tác bồi thường GPMB của các hộ dân, trong đó có bản danh sách nhận tiền bồi thường dự án GPMB đường tỉnh 293 và tuyến nhánh Tây Yên Tử theo Quyết định số: 751/QĐ-UBND ngày 26/6/2015 của UBND huyện Sơn Động ghi ngày 11/6/2016 do Phạm Bằng Gi ký xác nhận.
Ngày 07/01/2019, Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) đã ra quyết định trưng cầu Phòng Kỹ thuật hình sự công an tỉnh Bắc Giang giám định chữ ký, chữ viết trong danh sách nhận tiền Gi đã ký nhận ngày 11/6/2016 so với mẫu chữ viết, chữ ký của Phạm Bằng Gi có phải do một người viết ra không. Ngày 21/01/2019, Phòng Kỹ thuật hình sự công an tỉnh Bắc Giang có kết luận số: 97/KLKTHS kết luận: “Chữ ký, chữ viết mang tên Phạm Bằng Gi tại cột Ký nhận – Họ và tên” trên các tài liệu giám định (Ký hiệu từ A1 đến A5) so với chữ ký, chữ viết của Phạm Bằng Gi trên các tài liệu mẫu (Ký hiệu M1,M2,M3) do cùng một người ký, viết ra”.
6. Ngày 25/3/2019, ông Ng giao nộp cho CQĐT 01 USB ký hiệu PNY 4GB, bên trong chứa đoạn ghi âm giọng nói có nội dung việc trao đổi giữa vợ chồng ông Ng và Phạm Bằng Gi liên quan đến việc thu hồi đất và chi trả số tiền đền bù GPMB.
Ngày 11/4/2019, CQĐT đã trưng cầu Viện Khoa học hình sự Bộ Công an (Viện KHHS BCA) giám định giọng nói, âm thanh được lưu giữ trong USB do ông Ng cung cấp và mẫu giọng nói của Phạm Bằng Gi, ông Nguyễn Văn Ng, bà Đặng Thị Cúc có bị cắt ghép, chỉnh sửa nội dung không; xác định thời gian khởi tạo, chuyển thành văn bản. Ngày 24/6/2019 Viện KHHS BCA có kết luận: không phát hiện dấu hiệu cắt ghép, chỉnh sửa nội dung trong tập tin âm thanh trong mẫu giám định, không xác định được thời gian khởi tạo tập tin âm thanh trong mẫu giám định. Tiếng nói của người đàn ông xưng là “em” trong tập tin âm thanh trong mẫu giám định (Ký hiệu là “Gi” và tiếng nói của Phạm Bằng Gi trong mẫu so sánh là của cùng một người. Tiếng nói của người đàn ông xưng “anh” trong tập tin âm thanh trong mẫu giám định (ký hiệu là “Ng” trong Bản dịch nội dung ghi âm mẫu cần giám định) và tiếng nói của Nguyễn Văn Ng trong mẫu so sánh là của cùng một người. Tiếng nói của người phụ nữ chất lượng âm thanh kém, không đủ điều kiện giám định. Nội dung được dịch thành văn bản gồm 20 trang A4, thể hiện: “Thế lấy về thì bắt đầu… có nói mấy câu bảo là nay mai còn sổ sách làm phép thôi, tiền lấy thì nó được hơn bẩy mốt triệu mấy trăm í. Lấy về thì thời điểm đó nó cũng khó khăn, thời điểm ấy ấy em… mới công tác, tiền về đáng nhẽ phải điện cho anh bảo anh để trả lại anh, nhưng mà chưa trả, cầm trót tiêu, đấy như thế. Đấy thì bây giờ… hướng giải quyết. Thì xem anh chị cho cái hướng giải quyết. Cái tiền thì em tiêu rồi, còn bây giờ cái cách… thế nào… Đấy, ký thì ký tên em, em ghi rõ họ tên… lấy hộ… mình lại có tóc. Nó bảo lấy hộ thì ông này chắc chắn lấy hộ được. Nhưng về xong đấy thì về rồi thì bắt đầu đấy, từ chuyện tiền về sau đến lúc lại có lúc lại vừa lo công việc đang lấn bấn nợ nần… thế thì mình nghĩ bảo là mình thôi cái việc đấy là mình dốt, mình ngu, phải chấp nhận thôi… đó là bài học nhớ đời để trong vấn đề … từ nay về sau. Làm thế nào được? Sai thì sai rồi, bây giờ tìm cách giải quyết chứ. Còn không giải quyết được thì phải chấp nhận chứ làm thế nào được. Không giải quyết được thì mình phải chịu chứ còn đổ cho ai được nữa. Do mình, mình làm thì mình chịu chứ còn chẳng đổ cho ai cả. Đấy là trách nhiệm, nói rõ là như thế…” và nhiều câu nói của Gi thừa nhận việc đã nhận tiền đền bù của ông Ng sau đó chi tiêu cá nhân hết mà không thông báo, không trả tiền cho ông Ng.
Tại bản cáo trạng số: 01/CT-VKS-SĐ ngày 16/01/2021, Viện kiểm sát nhân dân huyện Sơn Động truy tố bị can Phạm Bằng Gi về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm c khoản 2 Điều 174 BLHS.
TẠI PHIÊN TÒA
1. Đại diện Viện kiểm sát (VKS) giữ nguyên quan điểm truy tố, đề nghị xử phạt từ 02 năm 03 tháng đến 02 năm 09 tháng tù, phạt bổ sung 10 triệu đồng. Dân sự: buộc bị cáo Gi phải trả cho ông Nguyễn Văn Ng, bà Đặng Thị Cúc số tiền 70.020.000 đồng, khoản tiền này đang được lưu giữ tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Sơn Động. Bị cáo chịu án phí hình sự và kháng cáo theo quy định của pháp luật.
2. Bị cáo Phạm Bằng Gi: không đồng ý với quan điểm buộc tội của đại diện VKS. Bị cáo cho rằng Bản cáo trạng truy tố sai, bị cáo không chiếm đoạt tiền của vợ chồng ông Nguyễn Văn Ng và bà Đặng Thị Cúc. Bị cáo không có tội.
3. Bị hại, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều nhất trí với quan điểm luận tội của Viện kiểm sát và không có ý kiến tranh luận.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
1. Tại phiên tòa, bị cáo Phạm Bằng Gi khai báo quanh co, chối tội; bị cáo cho rằng bị cáo cũng có đất ở khu vực xã Tuấn Mậu (nay là thị trấn Tây Yên Tử); khi được ông Ng nhờ hỏi hộ xem đất của ông Ng có bị thu hồi làm đường tỉnh lộ 293 và có được đền bù không, bị cáo gặp ông Đạt là cán bộ địa chính xã Tuấn Mậu tại thời điểm đó, bị cáo đưa cho ông Đạt 01 GCNQSD đất của ông Ng và 02 Hợp đồng mua bán chuyển nhượng quyền sử dụng đất của bị cáo, để ông Đạt xem đất của bị cáo với đất của ông Ng có bị thu hồi và được đền bù hay không. Sau đó bị cáo được ký vào biên bản kiểm kê đất và tài sản bị thu hồi, ký vào phương án bồi thường, đến khi ông Đạt gọi điện báo cho bị cáo đến nhận tiền đền bù đất, thì bị cáo nghĩ đất của bị cáo bị thu hồi nên được đền bù. Khi ký vào các giấy tờ trên và nhận tiền bồi thường, bị cáo ký và ghi rõ họ tên mình; Bị cáo không gian dối với ai, bị cáo cũng không biết số tiền 70.020.000 đồng mà bị cáo nhận là tiền của ông Ng được Nhà nước bồi thường khi bị thu hồi đất. Tuy nhiên, ông Hoàng Văn Đạt khẳng định là bị cáo chỉ đưa cho ông 01 GCNQSDĐ đứng tên ông Nguyễn Văn Ng, ông Đạt không nhận được 02 hợp đồng mua bán chuyển nhượng đất của bị cáo, việc ông gọi điện cho bị cáo nhận tiền đền bù đất theo GCNQSDĐ đứng tên ông Ng.
2. Việc bị cáo Phạm Bằng Gi ký tên vào các giấy tờ trong hồ sơ thu hồi đất bồi thường GPMB của ông Nguyễn Văn Ng được ông Bùi Hữu Tiến là cán bộ trung tâm quỹ đất huyện Sơn Động, người lập hồ sơ giải thích như sau: Bị cáo Gi trình bày với ông về thửa đất đứng tên ông Ng có một phần bị thu hồi để làm đường là đất mà Gi và ông Ng chung nhau mua của ông Triệu Hữu Được, do ông Ng đi nước ngoài nên Gi đứng ra làm thủ tục; ông Tiến hỏi ông Được thì ông Được cho biết ông bán thửa đất đó cho Gi chứ ông không biết ông Ng là ai. Do tin tưởng thửa đất đứng tên Ng có một phần diện tích bị thu hồi là đất mua chung giữa Gi và Ng, nên ông Tiến đã ghi tên chủ sử dụng đất là Nguyễn Văn Ng (Phạm Bằng Gi), quá trình lập hồ sơ Gi là người ký vào các giấy tờ, văn bản của hồ sơ. Căn cứ vào danh sách nhận tiền bồi thường GPMB của ông Tiến lập, ông Hoàng Văn Dậu là thủ quỹ của Hội đồng bồi thường GPMB đã trả tiền bồi thường cho Gi.
3. Tại bản tự khai và các lời khai ban đầu (các BL số 66, 146, 153, 155, 157, 162,171…), bị cáo Phạm Bằng Gi đã khai bị cáo biết số tiền 70.020.000 đồng mà bị cáo nhận từ Hội đồng bồi thường GPMB là tiền Nhà nước bồi thường cho ông Nguyễn Văn Ng do bị thu hồi đất, bị cáo có thông báo cho ông Ng biết. Nhưng ông Ng xác định trước và sau khi nhận tiền bị cáo không thông báo và trả lại tiền cho ông Ng mà tự mình quản lý, sử dụng số tiền đó. Lời khai của bị cáo phù hợp với lời khai của ông Nguyễn Văn Ng, ông Bùi Hữu Tiến, ông Hoàng Văn Đạt và phù hợp với nội dung theo kết luận giám định về cuộc nói chuyện giữa bị cáo với ông Ng trong đoạn ghi âm mà ông Ng cung cấp về việc bị cáo biết đất bị thu hồi và tiền đền bù bị cáo nhận là của ông Ng, nhưng bị cáo không thông báo cho ông Ng biết. Như vậy, ý kiến bị cáo khai tại Tòa cho rằng số tiền 70.020.000 đồng bị cáo nhận tại Hội đồng bồi thường GPMB không phải là tiền của ông Ng được bồi thường và bị cáo tưởng số tiền đó là tiền bị cáo được bồi thường là hoàn toàn không có căn cứ chấp nhận.
4. Căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, đã có đủ cơ sở kết luận: Sau khi được biết thửa đất của ông Nguyễn Văn Ng bị thu hồi một phần để làm đường Tỉnh lộ 293, mặc dù bị cáo Phạm Bằng Gi đã được ông Ng nhờ hỏi hộ từ trước, nhưng Gi không thông báo cho ông Ng biết. Khi những người có trách nhiệm báo cho Gi đến làm thủ tục, ký vào các giấy tờ, văn bản của hồ sơ thu hồi đất và báo đến nhận tiền bồi thường nhưng Gi đều không thông báo cho ông Ng biết, tự Gi ký vào các văn bản, giấy tờ của hồ sơ thu hồi đất và ký nhận tiền bồi thường. Những hành vi nêu trên của bị cáo Phạm Bằng Gi là thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền của ông Nguyễn Văn Ng được Nhà nước bồi thường do việc thu hồi đất. Mặc dù bị cáo nhận tiền từ Hội đồng bồi thường GPMB, nhưng UBND huyện Sơn Động xác định số tiền đó là tiền bồi thường cho ông Ng do bị thu hồi đất nên thuộc quyền sở hữu của ông Ng. Tại phiên tòa, ông Nguyễn Văn Ng xác nhận UBND huyện Sơn Động thu hồi 116,7m2 đất ở của ông và bồi thường cho ông số tiền 70.020.000 đồng là đúng nhưng bị cáo đã chiếm đoạt của ông số tiền này.
5. Bằng thủ đoạn gian dối nêu trên, bị cáo Phạm Bằng Gi đã chiếm đoạt được số tiền 70.020.000 đồng của ông Nguyễn Văn Ng. Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền sở hữu hợp pháp của người khác, đủ yếu tố cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, bị cáo thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp. Căn cứ vào số tiền bị cáo chiếm đoạt, VKS nhân dân huyện Sơn Động truy tố bị cáo Phạm Bằng Gi về tội tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 174 BLHS là hoàn toàn đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
QUYẾT ĐỊNH
1. Về điều luật: Áp dụng điểm c, khoản 2, khoản 5 Điều 174 BLHS, điểm b,v khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS, Điều 48, Điều 38 BLHS. Điều 136, 331, 333 BLTTHS. Điều 235 BLDS. Điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa 14 quy định về án phí, lệ phí Tòa án.
2. Về tội danh: Tuyên bố bị cáo Phạm Bằng Gi phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
3. Về hình phạt: Xử phạt bị cáo Phạm Bằng Gi 02 năm 06 tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo đi thi hành án. Phạt tiền bị cáo Phạm Bằng Gi 10.000.000 đồng để sung vào quỹ nhà nước.
4. Trả lại vợ chồng ông Nguyễn Văn Ng, bà Đặng Thị Cúc số tiền 70.020.000 đồng. Số tiền này hiện đang được quản lý, lưu giữ tại kho vật chứng của Chi cục thi hành án dân sự huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang
5. Về án phí: Bị cáo Phạm Bằng Gi phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.
6. Về quyền kháng cáo: bị cáo, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có mặt đều có 15 ngày kháng cáo kể từ ngày tuyên án. Người bị hại; người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt có 15 ngày kháng cáo kể từ ngày nhận được bản án xét xử vắng mặt.
(Thẩm phán chủ tọa phiên tòa; Hội thẩm nhân dân đã ký)
II. BÌNH LUẬN BẢN ÁN SƠ THẨM HÌNH SỰ VÀ QUA DIỄN BIẾN TẠI PHIÊN TÒA SƠ THẨM
1. Việc xác định bị hại trong vụ án
Tại thời điểm ký và nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, ông Hoàng Văn Đạt là người đã thông báo cho bị cáo Phạm Bằng Gi đến để làm thủ tục nhận tiền bồi thường GPMB trên diện tích đất thu hồi. Tại thời điểm chi trả, số tiền xuất ra để trả là của Nhà nước chi trả, bồi thường cho đối tượng có tên trong danh sách và người được gọi đến nhận tiền là bị cáo Phạm Bằng Gi với tư cách là chủ hộ gia đình có đất bị Nhà nước thu hồi. Do quy trình bồi thường GPMB diện tích đất bị thu hồi của anh Nguyễn Văn Ng có sai sót, thể hiện sự thiếu trách nhiệm của bộ phận cán bộ làm công tác bồi thường GPMB, nên số tiền bồi thường chưa được trả cho anh Ng. Còn số tiền mà bị cáo Phạm Bằng Gi ký nhận, là số tiền Nhà nước xác lập quyền sở hữu từ Nhà nước đối với bị cáo Phạm Bằng Gi (không có liên quan đến cá nhân anh Nguyễn Văn Ng). Hơn nữa, bị cáo Gi không nhận tiền từ anh Ng, cũng như anh Ng cũng không nhờ, không ủy quyền cho bị cáo Gi đến nhận tiền thay cho mình.
Khi phát hiện việc chi trả sai thì Hội đồng bồi thường GPMB cũng không thể chuyển ngang sang cho anh Ng từ bị cáo Gi, càng không thể yêu cầu bị cáo Gi đem trả tiền mà Hội đồng GPMB giao nhầm cho bị cáo trả cho anh Ng (bản án sơ thẩm phân tích và nhận định như vậy là không đúng). Theo đó, Hội đồng bồi thường GPMB cần phải có quy trình thu hồi lại số tiền đã chi trả sai, chi trả không đúng đối tượng do lỗi thuộc về sự thiếu sót, tắc trách của Hội đồng GPMB. Còn việc bồi thường cho anh Ng sẽ phải được xác định bằng một quy trình, thủ tục khác. Do đó việc chi trả sai nói trên do chính cán bộ Hội đồng bồi thường GPMB đã làm sai, gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, đồng thời làm chưa đúng với quy trình chi trả bồi thường cho những đối tượng được bồi thường khi bị Nhà nước thu hồi đất. Điều này đã làm ảnh hưởng đến tài sản lẽ ra phải chi trả cho anh Ng nhưng lại giao nhầm cho bị cáo Phạm Bằng Gi, theo đó bị cáo Phạm Bằng Gi không phải là người có lỗi trong trường hợp này. Hơn nữa, Gi khai tại CQĐT cũng như tại phiên tòa: “tôi cũng có 02 mảnh đất gần đó, khi được gọi lên để nhận tiền tôi cứ tưởng là đất của mình bị thu hồi” (Nội dung này được đề cập trong phần nhận định của Bản án sơ thẩm, cũng như lời khai của bị cáo trong hồ sơ vụ án và biên bản thu thập tài liệu là Hai hợp đồng mua bán đã lưu trong hồ sơ vụ án).
Từ sự phân tích trên, khẳng định số tiền mà Hội đồng bồi thường GPMB trả cho bị cáo Phạm Bằng Gi là số tiền từ Nhà nước, không phải tiền của anh Ng và bị cáo Gi cũng không nhận tiền từ anh Ng, cũng như anh Ng hoàn toàn không nhờ bị cáo Gi lấy hộ, hoặc ủy quyền cho bị cáo Gi lấy hộ. Vì thế, việc CQĐT, VKS và Tòa án sơ thẩm xác định anh Ng là bị hại trong vụ án này là hoàn toàn sai, không đúng quy định của pháp luật. Việc xác định sai về tư cách người tham gia tố tụng trong vụ án hình sự là sự vi phạm pháp luật tố tụng hình sự hết sức nghiêm trọng, đây cũng là một trong những căn cứ sai phạm tố tụng mà nếu vụ án xét xử phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm phải hủy bản sn sơ thẩm
2. Việc tòa án sơ thẩm kết tội Phạm Bằng Gi phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 2 Điều 174 Bộ luật Hình sự
Để xem xét về tội danh mà Tòa án nhân dân huyện Sơn Động quy kết, chúng ta cùng phân tích các vấn đề sau:
Một là, khi biết tuyến đường 293 và tuyến đường dẫn vào Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử, theo nhận định trong Bản án sơ thẩm cũng như trong hồ sơ vụ án thì bị cáo Phạm Bằng Gi có nói cho anh Nguyễn Văn Ng biết để anh Ng chủ động nộp hồ sơ cho Ban quản lý Dự án nhận tiền bồi thường (nếu đi qua và lấy đất của anh Ng). Tự bản thân anh Ng có nhờ bị cáo Phạm Bằng Gi nộp hộ GCNQSDĐ cho anh Ng, bị cáo Phạm Bằng Gi đã đồng ý và mang GCNQSDĐ mang tên anh Nguyễn Văn Ng đến nộp cho Hội đồng bồi thường GPMB (chi tiết này được thể hiện rõ qua lời khai của Ng; lời khai của Gi trong hồ sơ vụ án cũng như khai tại phiên tòa đã khẳng định lại sự việc này).
Bản thân Gi khai tại CQĐT cũng như tại phiên tòa là: “không hiểu tại sao trong Quyết định phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng và Quyết định thu hồi kèm theo danh sách lại có tên Nguyễn Văn Ng và mở ngoặc là Phạm Bằng Gi (Quyết định số 750, Quyết định số 751)”. Khi nộp hồ sơ, bị cáo Phạm Bằng Gi đã ghi rõ số điện thoại của anh Nguyễn Văn Ng cho cán bộ xã. Bị cáo Gi khai tại phiên tòa “Bị cáo được gọi lên nhận tiền bồi thường vì Nhà nước thu hồi đất”; “Bị cáo cũng có hai lô đất mua trên tuyến đường đó nên cứ nghĩ là đất bị thu hồi”; “Khi lên nhận tiền, bị cáo ký vào biên bản kiểm kê đất và tài sản bị thu hồi. Trong biên bản kiểm kê đất và tài sản bị thu hồi đã không ghi rõ số lô đất, thửa đất, diện tích đất bị thu hồi, loại đất bị thu hồi, chỉ đề chủ thửa đất: Phạm Bằng Gi, không có tên của ông Nguyễn Văn Ng”; “Các giấy tờ khác khi ký, được đóng trong tập dầy, cán bộ lật trang cho ký, tôi ký vào chỗ người nhận, đồng thời ghi rõ họ và tên của mình, số chứng minh nhân dân của mình, có phô tô lại chứng minh thư và gửi lại cán bộ”; “Tôi cũng có lỗi là chủ quan không kiểm tra kỹ trước khi ký nhận tiền”. (Lời khai này phù hợp với chứng cứ vật chất là các giấy tờ mà Hội đồng GPMB lưu hồ sơ và CQĐT đã thu thập trong hồ sơ vụ án).
Như vậy, bị cáo Phạm Bằng Gi không có ý định, không có mục đích chiếm đoạt số tiền 70.020.000 đồng là tiền bồi thường đất bị thu hồi mà Hội đồng bồi thường GPMB chi trả cho bị cáo Gi, bị cáo Gi nhận tiền vì lầm tưởng là tiền bồi thường do đất của mình bị thu hồi.
Hai là, hành vi đến ký và nhận tiền của bị cáo Phạm Bằng Gi hoàn toàn không có sự gian dối, bởi lẽ: bị cáo Phạm Bằng Gi đến Hội đồng Bồi thường GPMB ký và nhận tiền là do ông Hoàng Văn Đạt – cán bộ địa chính xã đã gọi điện và thông báo cho bị cáo Gi đến để chi trả tiền. Nhìn vào các giấy tờ mà Gi ký nhận tiền đều xác định với tư cách là chủ hộ gia đình có đất bị Nhà nước thu hồi. Theo đó, Nhà nước đã xác lập quyền sở hữu số tiền đó cho hộ gia đình bị cáo Phạm Bằng Gi, điều này được thể hiện trong hồ sơ chi trả của UBND huyện Sơn Động, cụ thể là: Tại giấy nhận tiền; giấy bàn giao mặt bằng và di chuyển tài sản trên đất, chữ ký và phần ghi họ và tên đã được Cơ quan công an giám định đó là chữ ký của Phạm Bằng Gi (Phản ánh trong hồ sơ toàn bộ tài liệu liên quan).
Trong biên bản nhận tiền 70.020.000 đồng, biên bản này chỉ ghi “họ tên Phạm Bằng Gi, có địa chỉ nơi ở, nhận đủ 70.020.000 đồng”, không có bất cứ thông tin gì liên quan đến lô đất, phần diện tích đất bị thu hồi, loại đất thu hồi. Bị cáo Gi luôn khẳng định là: “tôi vẫn cho rằng là đất của tôi bị thu hồi và được đền bù” khi đến ký nhận tiền. Hơn nữa, biên bản bàn giao hồ sơ kỹ thuật thửa đất chỉ ghi tên chủ đất: Phạm Bằng Gi. (Hồ sơ có hai hợp đồng mua bán đất của Phạm Bằng Gi nộp và lưu hồ sơ, kèm các tài liệu liên quan ký nhận).
Từ sự phân tích nêu trên, cho thấy: Hoàn toàn không có căn cứ để xác định bị cáo Phạm Bằng Gi có hành vi hay thủ đoạn gian dối khi nhận số tiền 70.020.000 đồng.
Ba là, việc bị cáo Phạm Bằng Gi được nhận tiền đền bù bồi thường GPMB là do Hội đồng GPMB của UBND huyện Sơn Động thiếu trách nhiệm, làm sai sót, nhầm lẫn không tuân thủ đúng quy trình bồi thường GPMB.
Tại phiên tòa, đại diện UBND tỉnh Bắc Giang cũng có ý kiến phát biểu, cho rằng: UBND tỉnh đã ban hành văn bản quy định về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, lập hồ sơ chi trả tiền rất cụ thể và chi tiết. Việc UBND huyện Sơn Động mà cụ thể là Hội đồng bồi thường GPMB huyện Sơn Động đã sai trong quá trình lập hồ sơ chi trả tiền bồi thường cho các đối tượng có đất bị thu hồi, tại phiên tòa chúng tôi xin nhận lỗi về việc này.
Theo đó, hồ sơ bồi thường GPMB của Hội đồng bồi thường GPMB của UBND huyện Sơn Động đã có nhiều sai sót, vi phạm dẫn đến gọi và chi trả nhầm đối tượng.
Những sai phạm, thiếu sót còn được thể hiện cụ thể qua những lời khai và hành vi của những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ trong Hội đồng bồi thường GPMB huyện Sơn Động:
Lời khai của ông Bùi Hữu Tiến – cán bộ trực tiếp lập hồ sơ bồi thường GPMB của Hội đồng: Tại CQĐT cũng như tại phiên tòa, ông Bùi Hữu Tiến đã lý giải về việc mình tự ý kê thêm tên Phạm Bằng Gi vào hồ sơ bồi thường GPMB với các lý do đưa ra tại các lời khai rất khác nhau, cụ thể: tại phiên tòa ông Tiến khai “hôm đó ở sân vận động tôi có gặp anh Gi và hỏi anh í về hồ sơ đất của anh Ng, anh Gi nói mua chung với anh Ng và hiện nay anh Ng đi công tác nước ngoài, tin lời anh Gi nói tôi đã lập hồ sơ cho thêm tên của anh Gi vào”. Trong hồ sơ, ông Tiến trình bày “Tôi đã nhiều lần gọi điện hỏi anh Gi về việc anh Ng đâu, anh Gi luôn nói là anh Ng đi công tác nước ngoài. Nên chúng tôi đã lập hồ sơ chi trả tiền cho anh Gi, vì anh ấy nói đất mua chung với anh Ng”.
Lời khai của bị cáo Phạm Bằng Gi: “Tôi không quen biết anh Tiến, chưa bao giờ trao đổi điện thoại với anh Tiến” “Hoàn toàn không có chuyện tôi gặp anh Tiến ở Sân vận động nói chuyện với anh Tiến, đó là sự bịa đặt” “Tôi đã đưa số điện thoại của anh Ng cho cán bộ xã, chưa bao giờ tôi nói mua chung đất với anh Ng hay việc anh Ng đi công tác nước ngoài, việc này là bịa đặt”. Phạm Bằng Gi đề nghị cho check điện thoại xem thời gian đó có ai tên Tiến gọi điện cho mình không!
Cũng tại phiên tòa, khi Hội đồng xét xử (HĐXX) hỏi ông Ngữ - trưởng ban GPMB huyện Sơn Động là: “việc chi trả tiền sẽ tiến hành như thế nào?” Ông Ngữ nói về quy trình chi trả tiền bồi thường GPMB và khẳng định: “Chỉ chi trả cho người có tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và phải có bản gốc”.
Tiếp đó, HĐXX hỏi ông Đạt: có nhận được GCNQSDĐ bản gốc mang tên anh Ng do bị cáo Gi nộp hộ không? Ông Đạt quanh co, chối bỏ và nói chỉ nhận bản photo. Điều này là sai sự thật, vì nếu chỉ nhận bản photo thì theo ông Tiến, cũng như ông Ngữ và ông Dậu nói: chỉ lập hồ sơ và chi trả tiền cho người có giấy tờ bản gốc. Với những lời khai bất nhất như vậy, cho thấy quy trình hoạt động của Ban GPMB quá lỏng lẻo, cẩu thả. Tại phiên tòa, HĐXX hỏi ông Dậu (thủ quỹ): tại sao ông chi trả tiền cho người không có tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong khi quy trình xác định chỉ chi trả cho người có tên trong giấy chứng nhận bản gốc? Ông Dậu trả lời: tôi chỉ xem giấy tờ thấy ghi Nguyễn Văn Ng có mở ngoặc Phạm Bằng Gi nên cho rằng hai người là một và tôi phát tiền vì anh Đạt gọi ông Gi lên nhận tiền.
Tại phiên tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo Gi có hỏi: 1, Ai nhờ anh nộp hộ sổ đỏ liên quan đến mảnh đất bị thu hồi đất? Bị cáo Gi trả lời là ông Ng; 2, Ông Ng có nhờ anh hay ủy quyền cho anh nhận tiền hộ nếu đất bị thu hồi không? Bị cáo Gi trả lời là không; 3, Anh Gi có đất nằm trên tuyến đường này không? Bị cáo Gi trả lời: tôi có 2 mảnh đất cũng nằm trên tuyến đường này; 4, Tại sao anh đến nhận tiền? Bị cáo Gi trả lời: tôi nhận tiền vì anh Đạt gọi tôi lên nhận tiền; 5, Khi nhận tiền anh mang theo giấy tờ gì? Bị cáo Gi trả lời: tôi mang theo CMND bản gốc của tôi, khi ký tôi ghi rõ họ và tên của tôi; 6, Anh được ký vào những giấy tờ gì? Tại sao ký? Tôi ký vào biên bản bàn giao sơ đồ kỹ thuật thửa đất, sơ đồ không ghi số thửa, số m2 đất bị thu hồi, tên cũng không ghi, nên tôi nghĩ đất của tôi bị thu hồi; Biên bản nhận tiền chỉ ghi tên tôi; các giấy tờ khác đóng trong 1 tệp dầy và cứ lật cho tôi ký nên tôi chỉ ký, không kiểm tra và ghi rõ họ tên mình; Tôi ký nhận vào giấy tờ trên là do nghĩ là đất của tôi bị thu hồi.
Như vậy, bị cáo Phạm Bằng Gi không có hành vi gian dối, thủ đoạn gian dối để nhận số tiền 70.020.000 đồng.
Bốn là, tại phiên tòa bị cáo Phạm Bằng Gi có khai: khi phát hiện ra Nhà nước xác lập quyền sở hữu không đúng đối tượng, tôi đã nỗ lực trả lại cho Nhà nước số tiền mà Hội đồng GPMB chi trả sai đối tượng cho tôi. Điều này thể hiện bị cáo Gi hoàn toàn không có ý thức chiếm đoạt số tiền này, việc nhận số tiền này từ Hội đồng GPMB là do nhầm lẫn nghĩ là đất của nhà mình bị thu hồi, hơn nữa phía Hội đồng GPMB có sai sót chi trả sai đối tượng bởi sự cẩu thả trong công việc của các thành viên trong Hội đồng.
Sau một thời gian, khi được cán bộ xã Tuấn Mậu là anh Huy (Anh Huy không phải là thành viên trong Hội đồng GPMB của huyện), thông báo số tiền 70.020.000 đồng bị đền bù nhầm cho bị cáo Gi, đúng ra phải đền bù cho ông Ng. Bị cáo Gi sau khi gọi hỏi kiểm tra xác nhận đúng là tiền nhận nhầm, đã tìm cách để trả lại tiền cho Nhà nước bằng việc gặp Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng GPMB để trình bày sự việc nhận nhầm tiền do lỗi sơ suất của cả hai bên và giao nộp tiền nhưng không được giải quyết. Ông Ngữ còn yêu cầu ông Gi mang tiền sang nộp trả cho ông Ng, do không hiểu biết luật, ông Gi cũng mang sang đưa trả cho ông Ng, mà đáng ra việc này phải do Hội đồng GPMB nhận lại và trả cho ông Ng mới đúng, vì ông Gi có nhận tiền từ ông Ng đâu mà phải mang trả cho ông Ng. (Nội dung này được thể hiện qua lời khai của ông Ngữ và bị cáo Gi tại hồ sơ vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm).
Bản thân bị cáo là cán bộ công tác ở khu vực huyện Sơn Động, thời điểm đó đang là Hạt trưởng Kiểm lâm, để tránh rắc rối cho anh em công tác tại địa phương bị cáo Gi đã nhiều lần cùng vợ là bà Lê Thị Lan đến nhà ông Ng để hoàn trả số tiền lớn hơn nhiều số tiền được chi trả nhầm, lên đến 100.000.000 đồng (Chứng cứ này đã được thu thập trong hồ sơ vụ án). Nhưng ông Ng không đồng ý nhận mà ép buộc bị cáo Gi phải tìm người mua hoặc chính bị cáo phải mua lại diện tích đất còn lại sau khi thu hồi với số tiền lên tới 1.000.000.000 đồng (Một tỷ đồng). Sau 01 tháng bị cáo Gi chưa tìm được người mua và không có đủ số tiền lớn như vậy để mua lại mảnh đất này của ông Ng thì ông Ng làm đơn tố cáo (Nội dung này đã được bị cáo Gi và anh Ng khai tại hồ sơ vụ án và tại phiên tòa). Tuy nhiên, tại phiên tòa khi HĐXX hỏi: 1, Anh Ng, anh đồng ý với mức tiền bồi thường đất thu hồi của nhà nước là 70.020.000 đồng chứ? Ông Ng trả lời: Tôi đồng ý với mức tiền đó; 2, Anh Ng có muốn nhận số tiền này không? Ông Ng trả lời: Tôi muốn nhận lại vì đây là quyền lợi của tôi. Sau đó, luật sư bào chữa cho bị cáo Gi có hỏi ông Ng 01 câu: Anh cho rằng là 70.020.000 đồng tiền đền bù là thỏa đáng và nhận là đúng, thì tại sao khi vợ chồng anh Gi mang số tiền 100.000.000 đồng sang đưa trả cho anh thì anh không nhận, còn ép người ta mua lai chỗ đất nhà anh 01 tỷ đồng hoặc tìm người mua lại, họ không có tiền mua lại và không tìm được người mua sau 01 tháng anh đâm đơn tố cáo người ta lừa anh là thế nào? Đồng thời trong phần tranh luận, luật sư bào chữa cho Gi đã yêu cầu làm rõ dấu hiệu tội Cưỡng đoạt tài sản của anh Ng đối với bị cáo Gi khi ép Gi phải mua lô đất của mình 01 tỷ mới không đưa đơn xử lý, trong khi anh Gi không có hành vi gian dối gì đối với anh Ng và số tiền nhận nhầm là do lỗi thuộc về hội đồng bồi thường GPMB chi trả sai đối tượng chứ không phải nhận từ anh Ng hay anh Ng nhờ hoặc ủy quyền cho nhận thay.
Từ sự nghiên cứu hồ sơ vụ án, phân tích về bản án sơ thẩm và toàn bộ diễn biến của phiên tòa, cho thấy: Thứ nhất, Bản án sơ thẩm nêu trên đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong việc xác định sai bị hại trong sự việc trên; Thứ hai, hành vi của bị cáo Phạm Bằng Gi không có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, có chăng hành vi đó có dấu hiệu của tội Chiếm giữ trái phép tài sản. Tuy nhiên, muốn cấu thành tội Chiếm giữ trái phép tài sản thì phải thỏa mãn các tiêu chí sau: (1) Tài sản giao nhầm hoặc nhặt được, bắt được; (2) trị giá tài sản từ 10 triệu đồng trở lên; (3) Người giao nhầm hoặc bị mất tài sản do người khác nhận nhầm hoặc nhặt được phải có yêu cầu trả mà không trả lại thì mới đủ yếu tố cấu thành nên tội này. Theo đó, cần điều tra xác minh yếu tố: bị cáo Gi đã nhận được thông báo nhận nhầm tiền mà vẫn cố tình chây ì không trả mới cấu thành tội phạm này.
Với bản án sơ thẩm tuyên có vi phạm như phân tích trên, cần phải kháng cáo, kháng nghị để hủy bản án sơ thẩm và cho tiến hành điều tra, xét xử lại, xem xét sự việc một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ. Theo đó, bản án sơ thẩm nêu trên đã bị kháng cáo, sau nhiều lần hoãn phiên tòa, ngày 26/01/2022 Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm số 07/2021/HSPT đã tuyên “Hủy bản án hình sự sơ thẩm số 06/2021/HS-ST ngày 01/04/2021 của Tòa án nhân dân huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang đối với Phạm Bằng Gi để điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật”.
Trên đây là quan điểm của chúng tôi về bản án sơ thẩm mà chúng tôi thấy có nhiều sai sót, việc sai sót này đã làm ảnh hưởng quá lớn đến quyền và lợi ích của bị cáo. Thiết nghĩ, cần rút kinh nghiệm sâu sắc về vụ án này, để các cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ án đúng đắn hơn, tránh oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm./.